[Tử Khúc] Chương 15 -18

Chương 15 : Ngày dài (Phần 5)

Tử Yên nhìn đống chén bát và mớ quần áo đầy vung trong chậu mà chỉ muốn té xỉu. Nàng không biết ban sáng mình đã bước ra ngoài bằng chân nào, mà hôm nay lại đen như vậy. Hết chuyện này tới chuyện khác cứ dồn dập kéo đến, phiền toái và quái đản.

Rõ ràng Dương phu nhân muốn làm khó Tử Yên, vì ngay cả chén bát và quần áo của gia nhân trong nhà cũng bỏ luôn vào đấy.

Có lẽ với nàng, đêm nay sẽ là đêm thật dài.

Viễn Kỳ trằn trọc mãi trên giường, nhìn hai cánh cửa im ỉm trơ lì, còn Tử Yên thì vẫn chẳng thấy đâu. Chàng bắt đầu thắc mắc.

-Quái thật! Tắm gì mà cả canh giờ chưa xong? Không lẽ… lại gặp chuyện gì rồi?

Viễn Kỳ khoác áo và bước vội ra ngoài. Nhận thấy cửa phòng tắm mở toang, chàng liền đi tìm vòng vòng quanh nhà.

Dưới ánh đèn lồng mờ ảo, bóng Tử Yên đang phủ phục trên chiếc bàn đá, miên man say ngủ. Cạnh bên là những chậu áo quần, chén bát đầy vung vẫn còn làm dang dở.

-Mẹ ơi!

Giọng Tử Yên mềm nhũn làm Viễn Kỳ thoáng ngạc nhiên. Nhìn nàng trong bộ dạng ấy, dù có đang bực bội thế nào, chàng cũng không đành lòng bỏ mặc.

Sau tất cả mọi chuyện, Yử Yên xứng đáng có được một giấc ngủ đúng nghĩa. Nếu Viễn Kỳ nhẫn tâm để nàng lại đây, sớm muộn gì Tử Yên cũng thành mồi cho muỗi. Ấy là chưa kể nàng còn có thể bị cảm vì sương đêm ở Giang Châu rất lạnh.

Viễn Kỳ thở dài:

-Kiếp trước chắc ta mắc nợ cô, nên kiếp này mới phải trả bù.

Tử Yên trở người rồi giật mình thức giấc. Nàng bàng hoàng nhận ra trời lúc này đã sáng.

Tại sao mình lại ở trong phòng?”

Tử Yên cuống cuồng chạy ra sau vườn.Và bất ngờ nhận thấy…

Quần áo đã được phơi phẳng phiu. Còn chén bát như những chú cò trắng đang nằm im trong chậu. Mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ đến khó tin.

Tử Yên chau mày, cố tìm xem nhân vật vĩ đại nào đã ra tay tương trợ. Nhưng suy đi nghĩ lại vẫn chẳng thấy đối tượng nào khả thi. Cuối cùng nàng đi đến kết luận, có thể đêm qua chính nàng đã làm hết mọi việc, rồi tự về phòng ngủ. Nhưng do quá mệt mỏi nên hầu như không có ấn tượng gì.

Đúng như đã dặn, sáng hôm nay đích thân Thúy Đường đến kiểm tra. Thấy mọi thứ đều đâu vào đấy, bà không giấu nổi kinh ngạc. Hôm qua Thúy Đường đã điểm mặt đám gia nhân trong phủ, tuyệt đối không cho phép người nào được giúp đỡ Tử Yên. Riêng chàng quý tử nhà bà quyết không đời nào hạ mình làm những chuyện thế này. Sau khi đoan chắc Tử Yên đã tự mình hoàn thành mọi việc, Thúy Đường nhìn nàng, ôn hòa nói:

-Coi như con cũng biết hối lỗi. Chuyện lần này, ta không truy cứu nữa.

Tử Yên khẽ thở phào nhẹ nhõm. Nàng phấn khởi đáp:

-Con cảm ơn mẹ.

-Ừ… À, trong bếp mọi người đang nấu bữa sáng, con vào xem thử đi.

-Nhị thiếu phu nhân!

Gia nhân trong bếp nghiêng người thi lễ khi trông thấy Tử Yên. Nàng hơi bối rối, nhưng cũng gật đầu đáp lại.

Lúc này, những thứ chuẩn bị cho bữa sáng đã gần như hoàn tất, chỉ còn đem nấu nữa là xong. Mọi người đều chẳng nói chẳng rằng, lập tức ra ngoài. Duy chỉ có Tiểu Ái cẩn thận căn dặn nàng vài điều rồi cũng lặng lẽ lui ra, để Tử Yên tự làm nốt công đoạn cuối cùng.

Một tháng trước ngày xuất giá, Tử Yên đã hoàn thành khóa “huấn luyện cấp tốc” để trở thành dâu hiền vợ thảo. Dĩ nhiên nấu ăn là bài học quan trọng đầu tiên mà nàng cần lưu tâm. Bởi ai đó đã từng nói: “Cách chiếm được cảm tình của người khác nhanh nhất, chính là thông qua đường bao tử”. Hiểu được “chân lí” ấy, nên Tử Yên đã ra sức học hỏi Lâm Nhã và luyện tập chăm chỉ. Chỉ trong vòng ba mươi ngày ngắn ngủi, tay nghề nấu nướng của nàng đã cải thiện rõ rệt.

“Chỉ một nồi cháo cỏn con, sao có thể làm khó được ta?”

Tử Yên vừa nghĩ vừa gồng mình trước những cơn ngáp ngắn ngáp dài. Nàng thầm ghen tị với Viễn Kỳ, vì chàng được ngủ tới bảnh mắt, còn mình lại phải đứng đây lo bữa sáng cho cả nhà.

Bỗng dưng, Tử Yên nhìn khay thức ăn của Viễn Kỳ, môi gợi mở một nụ cười ranh mãnh.

Cả nhà Dương gia đang tập họp quanh chiếc bàn tròn. Bữa sáng cũng nhanh chóng được mang lên.

Nhẹ nhàng đặt khay thức ăn trước mặt mọi người, Tử Yên lễ phép mời cha mẹ dùng trước.

Hương vị hài hòa của bát cháo thịt tan ngay đầu lưỡi làm Dương lão gia hài lòng. Ông không tiếc lời khen:

-Khá lắm, rất vừa miệng.

-Cũng tạm. –Thúy Đường tỏ ra khó tính hơn.

Tử Yên quay sang tướng công, dịu dàng nói:

-Chàng cũng ăn đi.

Viễn Kỳ hơi bất ngờ trước khả năng diễn xuất của Tử Yên, nhưng cũng không quên múc một muỗng cháo đầy thưởng thức.

Tử Yên nhìn Viễn Kỳ. Ánh mắt nàng đượm vẻ chờ mong nhưng cũng rất ngọt ngào. Tiếng tim đập cuộn dâng trong lòng ngực.

Vừa cho vào miệng, cảm giác mặn buốt đầu lưỡi đột ngột bùng lên làm Viễn Kỳ phát sặc. Chàng lập tức đứng lên, tay che ngang miệng hòng kiềm lại những cơn ho liên hồi. Thấy vậy, Tử Yên liền vội vàng chạy đến, vỗ vỗ vào lưng chàng. Nàng lo lắng hỏi:

-Tướng công, chàng không sao chứ?

Viễn Kỳ nhăn nhó:

-Cô nấu … khục…cái… gì vậy … khục … hả? Cha mẹ, hai người…khục… nuốt trôi thứ này mà chẳng bị gì sao?

Dẫu biết Viễn Kỳ đến với hôn sự này thập phần bất mãn, nhưng Viên Trung không ngờ thái độ của con mình đối với Tử Yên lại thô lỗ như thế. Trong nhất thời nóng giận, ông nghiêm khắc quát:

-Viễn Kỳ! Sao con lại ăn nói với nương tử của mình như vậy? Ta và mẹ đều đang dùng ngon miệng, không lý nào lại không ăn được.

-Tướng công, nếu chàng không vừa ý, thiếp…thiếp đi nấu lại ngay.  – Tử Yên bắt đầu sụt sùi. Ánh mắt nàng hấp háy vài tia sáng lạ. Tử Yên gấp gáp bưng khay cháo của Viễn Kỳ và dợm bước quay đi, nhưng Dương lão gia đã kịp thời ngăn lại.

-Tử Yên, không cần đâu con. Còn con, Viễn Kỳ, lập tức ngồi xuống ăn hết cho ta!

Viễn Kỳ chạm phải ánh mắt cương quyết của cha, và dáng vẻ vô tội đáng thương của Tử Yên, trong chốc lát đã hiểu ra mọi chuyện. Khóe môi chàng không ngừng co giật. Mất một lúc lâu Viễn Kỳ mới bình tĩnh trở lại. Chàng thở dài rồi cúi nhìn Tử Yên, thái độ đột ngột thay đổi:

-Là lỗi của ta, ta đã quá khắt khe với nàng.  – Viễn Kỳ từ tốn ngồi xuống. – Nào! Mau ngồi xuống cạnh ta. Ta hứa với nàng, ta nhất định ăn hết.

Ngữ khí giận dữ đã hoàn toàn bốc hơi. Giọng nói của Viễn Kỳ giờ đây vô cùng hòa nhã. Âm vực kì thực không thể dịu dàng hơn. Cách cư xử mềm mỏng này làm Tử Yên đang hí hửng trong bụng bỗng thấy chột dạ.

“Không biết hắn có ý đồ gì đây?”

 Lòng nghĩ thế, nhưng Tử Yên vẫn ngồi cạnh Viễn Kỳ.

Và…

Ngắm chàng ăn hết muỗng cháo này đến muỗng cháo khác mà mặt mày vẫn tỉnh như không, ngược lại còn tỏ vẻ thỏa mãn, cơ hồ thứ nàng nấu là mĩ vị dân gian, Tử Yên chỉ biết mồm há to, mắt trợn ngược. Thỉnh thoảng Viễn Kỳ còn nhìn nàng… cười giễu cợt.

Rõ ràng Tử Yên đã cho cả lọ muối vào bát cháo ấy, sao chàng có thể ăn ngon lành như thế?

Viễn Kỳ ngồi trên bệ lan can trước thư phòng. Nhờ tuyệt phẩm “đầy thành ý” Tử Yên dành cho mình, mà trán chàng giờ lấm tấm mồ hôi, mặt mày thì xanh như tàu lá. Chàng không khỏi rùng mình khi nghĩ tới bát cháo ấy. Có thể nuốt sạch nó mà đến giờ vẫn chưa tử thương vì ngộ độc, bản thân chàng càng không thể tin nổi. Viễn Kỳ thầm cay cú:

-Lâm Tử Yên, cô được lắm! Được lắm! Nếu biết cô chơi ta như thế, hôm qua ta đã không sai người giúp cô, cũng chẳng bế cô vào phòng. Để muỗi tha cô đi có phải tốt rồi không?

Viễn Kỳ phóng tầm mắt ra xa, nơi những khóm mẫu đơn đã bắt đầu thay lá. Bỗng có một đóa hoa màu tím nhạt chìa ra từ những bệ lá vàng, vừa bướng bỉnh, vừa kiêu sa.

End chap 15

Chương 16: Đòi Lại Công Bằng (Phần 1)

Những ngày sau đó cứ lặng lẽ trôi qua. Trước mặt mọi người, cả Tử Yên lẫn Viễn Kỳ đều là những kịch sĩ vô cùng xuất chúng. Từ lời nói đến cử chỉ, đều cho thấy đích thực họ là một đôi tân nhân hạnh phúc, đang chung sống hết sức thuận hòa. Nhưng lúc không có ai, bản chất mỗi người lại lộ rõ như cầu vồng sau mưa. Và tất nhiên, những trận cải vã chí chóe lại nổ ra, đa phần vì nguyên do vặt vãnh không đâu.

Cũng từ ngày gian nan hôm ấy, Tử Yên luôn cố gắng hết mình, thức khuya dậy sớm, chăm chỉ lau dọn, quét tước, quản thúc nhà cửa đúng theo những “chỉ thị” của Thúy Đường. Nàng mong mình có thể nhanh chóng lấy lại hảo cảm trong mắt bà. Nhưng hình như đó là việc vô cùng khó khăn. Bởi đôi khi, Tử Yên những tưởng việc nàng làm đã gần như hoàn hảo, tuy nhiên, Thúy Đường luôn tìm ra được hàng tá khiếm khuyết để quở mắng và một mực buộc nàng làm lại. Những lúc như thế, Tử Yên chỉ biết nén chặt bao căm hờn, để tối về trút xả với cái mền, cái gối. Ngay cả Viễn Kỳ cũng bỗng dưng trở thành bị can bất đắc dĩ, thường xuyên chịu trận chỉ vì vô tình “dám” có mặt trong phòng.

Cũng có lúc thấy tủi hổ, cũng có lúc thấy cô đơn, chỉ muốn rũ bỏ mọi thứ, chạy về bên mẹ, dụi đầu vào lòng bà và òa khóc một trận thỏa thích. Nhưng lí trí Tử Yên vẫn luôn đủ tỉnh táo, sẵn sàng đè bẹp những ý tưởng điên rồ thoáng manh nha trong đầu. Nàng bây giờ đâu chỉ sống cho riêng mình. Mấy chục con người tại kỵ xã Vạn Luân đang trông cậy vào nàng. Tử Yên không cho phép bản thân nhu nhược và ích kỉ như thế. Hành động theo cảm tính đối với nàng lúc này là một điều cấm kỵ. Không biết tỏ bày cùng ai, Tử Yên đành “ngậm đắng nuốt cay”, thúc giục mình hãy suy nghĩ lạc quan, hy vọng mọi chuyện  rồi sẽ đâu vào đấy.

Dần dần, Tử Yên cũng đã tìm ra giải pháp để đối phó với Thúy Đường. Đó chính là bỏ ngoài tai những gì bà nói. Không nặng nhẹ, không để bụng, không tự dày vò mình bằng những bực tức tiêu cực. Cứ như thế, nàng cảm thấy cuộc sống tại Dương gia cũng không đến nỗi u ám lắm.

……………..

Hôm nay là một ngày đẹp trời. Trong tiết thu đằm thắm, ai ai cũng muốn ra ngoài dạo chơi để tự mình tận hưởng cái không khí thanh tao, rụt rè đâm xuyên vào những mầm sống đã bắt đầu thay áo, đón mùa đông đang đến.

Tại Dương phủ.

– Viễn Kỳ! Một lần thôi, một lần thôi cũng được. Cả tuần nay bị nhốt trong nhà, suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào giặt giũ, quét tước, tôi sắp chết vì chán rồi. Tôi xin huynh. Tôi năn nỉ huynh. Huynh dẫn tôi ra ngoài đi!!!

Tử Yên suốt từ nãy đến giờ vẫn không ngừng nài nỉ. Nàng đoan chắc vẻ thành khẩn của mình ắt sẽ làm Viễn Kỳ động lòng. Nhưng mọi chuyện chẳng hề đúng như Tử Yên dự tính. Chàng vẫn điềm nhiên đọc sách. Đôi mày kiếm nhíu lại, thoáng suy nghĩ đăm chiêu, rồi bất ngờ buông một câu lạnh nhạt.

– Nếu cô muốn thì cứ đi một mình. Sao nhất quyết phải đi cùng ta?

Tử Yên bĩu môi nói:

– Huynh đùa à? Mẹ đời nào cho tôi ra ngoài. Nếu đi với huynh thì còn có thể. Huynh cứ  nói  muốn cùng tôi ra chợ, mua sắm vài thứ, hay đại loại là gì gì đấy. Thế nào mẹ cũng đồng ý ngay. Sau đó, huynh lo việc huynh, tôi lo việc tôi. Tử Yên này tuyệt đối không làm phiền đến huynh. – Nàng chớp chớp mắt, mặt hồ hởi. – Nha! Nha! Viễn Kỳ!!!

– Không!

Câu trả lời dứt khoát của Viễn Kỳ làm Tử Yên chưng hửng. Nàng ngơ ngác hỏi:

– Sao vậy?

Viễn Kỳ rời mắt khỏi quyển sách. Chậm rãi đặt nó xuống, chàng từ tốn nói:

– Cô mà được ra ngoài, chẳng biết còn gây ra chuyện gì nữa. Không khéo bị lạc như hôm trước thì sao? Dù thế nào đi nữa, tuyệt đối không là không!

– Huynh làm như hiểu tôi lắm không bằng. Tôi là người biết chừng mực, khuôn phép. Đâu phải hễ ra đường là kiếm chuyện sinh sự. Nếu huynh thấy lo, lần này, tôi hứa sẽ bám sát huynh, huynh đi đến đâu tôi theo đến đấy, như thế làm sao lạc được. Cho tôi theo với nha, Viễn Kỳ! Đi mà, cho tôi đi cùng đi mà!

Dù Tử Yên đã nói hết lời, nhưng Viễn Kỳ vẫn thản nhiên đáp:

– Không là không. Cô theo sát ta như thế, không phải phiền, mà là…rất phiền đấy!

– Huynh…

– Thôi không nói nhiều, bây giờ ta phải ra ngoài. Cô tốt nhất nên ở nhà, chăm chỉ làm việc, hiểu không?

Chẳng đợi Tử Yên kịp phản ứng, Viễn Kỳ đã vội vã đứng lên và bước ra khỏi phòng.

Trên đường đi, Viễn Kỳ cứ liên tục hắt hơi, vì ai kia cứ không ngừng trù ếm chàng hòng xả bớt cơn giận. Nhớ lại vẻ mặt ủ rũ, buồn hiu của Tử Yên lúc nãy, chàng cũng cảm thấy có đôi chút áy náy. Nhưng chẳng phải do để bụng chuyện “bát cháo yêu thương” lúc trước, hay những xích mích vụn vặt giữa cả hai, nên Viễn Kỳ mới không muốn cùng Tử Yên ra ngoài. Chỉ là hôm nay, chàng kì thực có việc vô cùng hệ trọng.

…….

Hôm sau cũng vậy, vừa thấy Viễn Kỳ thay y phục chuẩn bị ra ngoài, Tử Yên liền xịu mặt xuống. Do đang bận lầm bầm trù ẻo, nên nàng không nhận ra chàng đang đứng sau lưng.

– Này! – Viễn Kỳ bất ngờ lên tiếng. Giọng điệu lồng nét cợt nhả làm Tử Yên giật mình. – Định ngồi đó nói xấu người khác đến bao giờ? Cô không mau đi thay y phục, ta bỏ mặc ở nhà thì đừng trách.

Tử Yên cuống cuồng đứng lên. Ý định tìm vài lời phân bua vừa lóe lên trong đầu đã lập tức biến mất. Nàng nhìn Viễn Kỳ, ngơ ngác:

– Thay y phục ? Để làm gì?

– Cô chẳng phải muốn ra ngoài còn gì? –  Mặt Viễn Kỳ vẫn tỉnh như không.

– …

– Cô không đi thì thôi.

Viễn Kỳ nhếch mày, cười tựa không cười. Chàng vừa dợm bước, Tử Yên đã la toáng lên:

– Ấy khoan! Đi chứ, đi chứ. Sao không đi cho được. Đợi tôi chút nha! Nhanh lắm! Nha!

Nói rồi, Tử Yên liền luống cuống chạy vào phòng.

………………….

Tựa chú  bồ câu vừa được phóng thích, vội vàng đạp lồng và xổ cánh bay đi, Tử Yên ùa xuống đường với niềm phấn khởi vẫn còn tươi nguyên như những ngày mới đặt chân lên khu phố này. Nhưng cái lạnh cắt da của buổi sớm cuối thu lại là kẻ phá bĩnh, khiến Tử Yên cứ hắt hơi liên hồi. Trông nàng cổ rụt vai so, vừa đi vừa xuýt xoa trong tiết trời lạnh cóng, Viễn Kỳ bất giác chau mày. Chàng nhẹ nhàng trách móc:

– Cô có còn là trẻ con đâu. Thấy trời lạnh thế này, tự phải biết mặc thêm áo rồi hẵng ra ngoài chứ?

– Tôi đâu ngờ lại lạnh đến vậy.

Tử Yên líu ríu đáp. Nàng vừa dứt lời, Viễn Kỳ đã cởi áo choàng trắng, dịu dàng khoác lên người nàng. Tử Yên không vùng vẫy, cũng chẳng kháng cự. Nàng thiết nghĩ đây là một hành động hào hiệp “nhường cơm sẻ áo” rất đỗi bình thường. Nhưng người người đi ngang qua lại không nghĩ như vậy. Trông thấy cảnh tình tứ của phu thê họ Dương, đôi chân họ thốt nhiên chậm lại. Ánh mắt dán chặt vào Viễn Kỳ và Tử Yên với vẻ ngưỡng mộ lẫn thích thú. Thái độ kì quặc ấy khiến không khí giữa cả hai bỗng trở nên ngượng ngập. Tử Yên lí nhí cảm ơn rồi quay gót đi nhanh.

Trái hẳn với lần ra ngoài hôm trước, Tử Yên hôm nay chỉ lẳng lặng đứng nhìn những quầy hàng tấp nập người vào ra. Nàng không hề định mua bất cứ thứ gì, ngắm nghía chán chê lại rảo chân bước tiếp. Viễn Kỳ theo sau lưng, chăm chú quan sát Tử Yên với ánh mắt khó hiểu.

Tử Yên bây giờ đã là dâu Dương gia, mọi chi tiêu cá nhân phải cân nhắc kĩ lưỡng. Nếu nàng dám tiêu xài hoang phí, đến cuối tháng Thúy Đường kiểm tra, thể nào cũng thuyết giáo nàng một trận. Gửi lại cái nhìn đầy tiếc nuối, Tử yên ngậm ngùi bước nhanh qua những gian hàng bắt mắt, đang hô hào mời gọi khách gần xa.

Về phần Viễn Kỳ, chuyện lần trước xảy ra với Tử Yên hoàn toàn không phải lỗi của chàng, nhưng chàng vẫn cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm. Tử Yên vốn nghịch ngợm, hiếu động, tuy miệng cứ khăng khăng “huynh đi đến đâu, tôi theo đến đấy”, nhưng vừa ra khỏi nhà, lập tức quên béng hết những gì mình đã hứa. Biết nàng không thạo đường ở phố Hoàn Chinh, lại hay ương bướng ham vui, thích một mình đi trước, nên Viễn Kỳ phải kè kè “hộ tống”, luôn mắt canh chừng phòng lạc mất cô nàng.

Mãi suy nghĩ vu vơ, Tử Yên vô tình va vào một hồng y nữ tử đang cầm dù tiến tới. Thấy Tử Yên thoáng nhăn mặt, cô nương ấy vội thu dù lại.

– Thật xin lỗi, cô nương có sao không?

Tử Yên ngỡ ngàng chốc lát trước nhan sắc kiều diễm đối diện. Cô gái này đẹp không thua gì minh tinh. Từ chân mày, sóng mũi, ánh mắt, đến nét môi, tất cả đều toát lên nét mị hoặc mê người. Giọng nói ngọt ngào, vóc dáng cao ráo, thon thả. Nàng ta kì thực là mĩ nhân hiếm có. Tử Yên đứng ngay ngốc hồi lâu mới lúng túng trả lời:

– Tôi…tôi mới là người có lỗi, cô không sao chứ?

Hai cô gái nhìn nhau rồi bỗng chốc phì cười.

Cùng lúc này, Viễn Kỳ cũng đã theo đến nơi. Trông thấy người quen, chàng vội vàng lên tiếng:

– Nhược Cầm! Nàng làm gì ở đây?

Nhược Cầm dịu dàng nhìn Viễn Kỳ, giọng nàng bông đùa:

– Chàng có thể dẫn nương tử ra ngoài tản bộ, còn thiếp không được sao?

– Ý ta không phải thế.

“Thì ra vị cô nương xinh đẹp kia là một trong những bóng hồng bên cạnh Viễn Kỳ. Gã oan gia này quả là biết hưởng thụ.” Tử Yên nghĩ thầm, rồi im lặng nghe cả hai lời qua tiếng lại.

Hồng y nữ tử ý nhị ngắm Tử Yên đang ngoan ngoãn đứng cạnh Viễn Kỳ. Trong tâm trí Nhược Cầm, nàng là một cô gái có nét đẹp kiều mị, sắc sảo.Từ cốt cách đến tính tình đều toát lên vẻ hiền thục, đoan chính. Nhưng dung mạo của Tử Yên thật khác xa so với tưởng tượng của Nhược Cầm. Gương mặt nàng thon nhỏ, các đường nét hài hòa, khéo léo tạo nên một khuôn trang vô cùng thanh tú, đáng yêu. Điểm nổi bật chính là đôi mắt trong vắt ươn ướt nước, luôn ánh lên những tia nhìn ngây ngô chưa trải đời. Kỳ thực đôi mắt ấy đẹp đến nao lòng, không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Nhược Cầm đột nhiên muốn tìm hiểu về Tử Yên nhiều hơn. Nàng mỉm cười ngỏ ý:

– Trời lạnh thế này, hay là…cả ba chúng ta tìm một quán trà, ngồi trò chuyện có được không? – Nhược Cầm nhẹ nhàng đề nghị.

Hiếm khi có cơ hội ra ngoài, Tử Yên không muốn chôn chân trong một quán trà nào đó, nghe Viễn Kỳ và Nhược Cầm“đối ẩm”. Nàng nhã nhặn từ chối:

– Hai người cứ tự nhiên, tôi muốn tản bộ thêm một lúc.

Tử Yên cúi đầu chào rồi nhanh chóng bước đi.

Khi bóng Tử Yên biến mất trong dòng người nhộn nhịp, Viễn Kỳ bỗng cảm thấy nóng lòng. Hình ảnh nhợt nhạt của Tử Yên tối hôm ấy chợt xuất hiện trong đầu. Bỏ mặc nàng như thế, chàng vạn lần cũng chẳng yên tâm. Viễn Kỳ bất ngờ lên tiếng:

– Thật thất lễ, ta lúc này không thể để Tử Yên một mình. Hôm khác nhất định sẽ mời nàng dùng trà tạ lễ.

Thấy Nhược Cầm gật đầu ra vẻ thấu hiểu, Viễn Kỳ liền gấp gáp rời đi.

Hồng y nữ tử bất ngờ mím chặt môi. Từ trước đến nay, hễ Nhược Cầm lên tiếng, Viễn Kỳ sẽ chẳng bao giờ từ chối. Cớ sao hôm nay chàng có thể thản nhiên bỏ lại nàng để đuổi theo Tử Yên, người mà chàng đã từng nhìn nhận với ánh mắt ghẻ lạnh, người mà chàng từng hùng hồn tuyên bố sẽ chẳng bao giờ coi đó là hiền thê thực sự.

Nhược Cầm dán mắt vào khoảng không, một dự cảm chẳng lành đang ập đến với nàng.

End Chap 16

Chương 17: Đòi Lại Công Bằng (Phần 2)

Viễn Kỳ nhanh chóng bắt kịp Tử Yên. Thấy nàng đang lấp ló nấp vào một ngôi nhà ven đường, chàng tiến đến gần, thì thào:

– Này!

Tử Yên giật mình như tên trộm vặt vừa bị bắt thóp. Nàng ôm tay trước ngực, nói với vẻ trách móc:

– Huynh muốn hù chết tôi sao? Không đi dùng trà cùng Nhược Cầm cô nương à?

Phớt lờ câu hỏi của Tử Yên, Viễn Kỳ cũng đáp lại bằng một câu hỏi:

-Sao lại phải lén lút thế này? Cô định giở trò gì nữa đây?

-Trò gì là trò gì? Huynh thật là…

Tử Yên quay mặt đi với vẻ hờn dỗi. Như vừa nghĩ ra điều gì đó, nàng luôn miệng:

– Huynh từng hứa, nếu có dịp, nhất định sẽ giúp tôi đòi lại công bằng, huynh còn nhớ chứ?

Viễn Kỳ hiểu Tử Yên đang nói đến điều gì. Chàng đáp chắc nịch:

-Dĩ nhiên ta nhớ.

Tử Yên nhìn gã trung phu đang ngồi dùng bữa ở tửu lầu phía trước. Nàng nói:

-Nếu vậy, cơ hội để huynh thực hiện lời hứa… đến rồi kìa.

………………..

Trời chốc chốc lại nổi lên từng đợt gió hanh hao, rét cắt. Bước chân khách bộ hành cũng vì thế mà trở nên vội vã. Đâu đó trong dòng người tấp nập, một thanh y nữ tử với dáng vẻ lúng túng đang ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng hình như chẳng có ai chú ý đến nàng.

-Lão bá bá! Xin hãy chỉ giúp cháu đường về Tây Gia thôn!

Cụ già nhìn vị cô nương trước mặt, lắc đầu ái ngại rồi vội vã bước đi.

– Đại thẩm! Xin cho cháu hỏi, muốn về Tây Gia thôn phải đi theo hướng nào? Ơ kìa…Đại thẩm! Đại thẩm!

– Thúc thúc! Xin hãy chỉ giúp cháu đường về Tây Gia thôn!

Người trung phu thoáng chần chừ. Y rút tay vào sâu trong áo, ôn tồn nói:

-Cháu cứ đi thẳng, đến ngã ba phía trước rẽ trái, rồi lại rẽ phải là đến Tây Gia thôn.

Thanh y nữ tử lễ phép tạ ơn. Đợi cho vị trung phu ấy đi khuất, nàng lại quay sang hỏi thăm người khác.

Vài nam nhân đang dạo chơi trên phố, trông thấy thanh y nữ tử bèn lân la đến gần, toan giở trò chọc ghẹo. Nhưng khi mặt đối mặt với nữ nhân ấy, cả đám thanh niên chỉ biết… nhìn nhau đánh ực, vì chiều cao quá khổ thuộc vào loại hiếm có của nàng. Ánh mắt thanh y nữ tử bỗng dưng“xẹt lửa”, làm cả bọn hoảng hồn, lập tức tháo chạy.

Đúng lúc này, một gã trung phu to béo với gương mặt trắng bủng bỗng xuất hiện. Hắn ngước nhìn thanh y nữ tử, môi dãn rộng hết cỡ khiến đôi gò má bất thần căng mọng, mi mắt cũng khép chặt tạo thành hai kẽ chỉ oái ăm. Hắn lên tiếng:

– Tiểu cô nương, cháu bị lạc đường sao? Thúc là Đinh Lý. Thúc cũng có việc phải về Tây Gia thôn, nếu cháu không ngại, hãy để ta đưacháu một đoạn.

Cô nương ấy nghe vậy không giấu nổi vui mừng. Nàng tươi cười đáp:

– Vậy thì tốt quá! Đa tạ thúc.

Trông thấy thanh y nữ tử cùng tên Đinh Lý đi vào con đường vắng, Tử Yên khoái chí bật tay tanh tách:

-Đúng là “bổn cũ soạn lại”, đầu lão ta cùng lắm chỉ nghĩ ra được mỗi chiêu này.

………………

Vị cô nương vận áo xanh váng vất nhìn quanh. Nàng lo lắng hỏi:

-Đinh Lý thúc thúc, đây là đâu mà vắng vẻ quá vậy?

Bất chợt…

Tiếng gió rít từ phía sau vọng đến. Hơi thuốc mê nồng nặc phả đặc vào không gian.

Một bàn tay đen nhẻm thình lình xuất hiện, kèm theo một chiếc khăn nồng mùi Mị hương.

“Bặt”

Âm thanh khô khốc vang lên.

Trong chớp mắt, bàn tay ấy đã nằm gọn trong gọng kìm của thanh y nữ tử.

Hành động linh hoạt vừa rồi của cô nương áo xanh làm Đinh Lý ngỡ ngàng. Hắn mấp máy môi:

-À…à…thì…thì ra ngươi biết võ. Được lắm! Người đâu!

Sáu tên lính lác vai u thịt bắp, mặt mũi bặm trợn đồng loạt xuất hiện.

– Mau dạy dỗ nha đầu này cho ta!!!

Sau lời quát tháo ra lệnh, cả bọn nhất tề lao lên. Giữa lũ người phàm phu tục tử, nổi bật lên một vóc dáng thanh cao đang đơn độc tả xung hữu đột. Với vũ khí là chiếc quạt trắng, trên có đề một bài thơ Đường tràn đầy nhã ý, từng động tác của y vừa quyết đoán mạnh mẽ, vừa vô cùng chuẩn xác. Trong chốc lát, hết thảy sáu gã ỷ đông hiếp yếu, ỷ lớn hiếp nhỏ đều cùng nhau đổ rạp.

Trông thấy sự việc đã quá tầm kiểm soát, Đinh Lý thất kinh toan xoay người bỏ trốn. Nhưng ông vô tình gặp lại người quen cũ.

-Đinh thúc thúc, thúc khoan đi đã! Thúc còn nhớ cháu không?

Đinh Lý trố mắt nhìn nữ tử trước mặt. Hắn ấp úng như gà mắc tóc:

– Chẳng…chẳng phải ngươi…ngươi đã bị ta bán cho Thiên Hương quán rồi sao? Ngươi đang…đang làm gì ở đây?  Ngươi…ngươi muốn gì ?

Đinh Lý vừa dứt lời, Tử Yên đã lập tức xông tới, đấm thật mạnh vào mặt hắn để trút cơn thịnh nộ.

-Dám đem ta bán cho thanh lâu, lão đúng là không biết sống chết! Trước đó không biết đã có bao cô gái là nạn nhân của lão. Ta hôm nay phải thay trời hành đạo. Cho lão chết! Cho lão chết! Cho lão chết!

Nữ tử áo xanh vẫn lặng yên không nói. Nàng đứng xem Tử Yên đang hoạt động cật lực, ánh mắt phản chiếu những tia nhìn phức tạp.

– Các ngươi…các ngươi là ai mà dám động đến ta? Đồ…đồ không biết trời cao đất dày. Khôn hồn thì mau ngừng tay, quỳ xuống xin ta tha lỗi, ta sẽ không chấp nhất với lũ trẻ ranh các ngươi mà niệm tình bỏ qua. Bằng không ta sẽ…

Thấy Đinh Lý đến lúc này vẫn còn già mồm. Không đợi hắn kịp nói hết câu, Tử Yên đã lui người lấy đà, ngay sau đó là cú đá trái chân sở trường, khiến Đinh Lý đo đất và bất tỉnh tức khắc.

Tử Yên đưa tay huýt sáo. Từ bên ngoài, một toán quân nhân liền hối hả chạy vào, nhanh nhẹn áp giải bọn tội phạm về Dương phủ. Thì ra, lúc cô nương áo xanh đang đối phó với đám tay sai của Đinh Lý, Tử Yên đã kịp chạy về nhà báo tin.

Tử Yên ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt chăm chú của thanh y nữ tử. Tử Yên chỉ mỉm cười thật tươi.

Dưới vỏ bọc thanh thoát màu xanh lá, phải chăng có điều gì như vừa được cởi bỏ, trả lại cho cố chủ một chất giọng trầm ấm:

-Cô càng ngày càng khiến ta ngạc nhiên.

Tử Yên nghe vậy chợt bật cười thích thú:

-Huynh sẽ còn phải ngạc nhiên dài dài.

……………..

Trên đường trở về.

Tử Yên lâu lâu lại lén nhìn sang người bên cạnh, khúc khích cười thầm. Thái độ kì quặc đó của nàng làm thanh y nhân dù đã cố kìm chế nhưng cũng không cách nào bình tĩnh. Y gằn giọng:

– Cô mà còn cười nữa là… chết với ta!

– Được rồi, được rồi! Không cười nữa. Tôi không cười nữa. Được chưa? Thật là…

Tử Yên toan nói điều gì nhưng bỗng dưng im bặt. Khi nhìn thấy gương mặt tối sầm của kẻ vận áo xanh, nàng chẳng dám hó hé thêm lời nào. Thanh y nhân cũng lặng yên không nói.

Cả hai cứ thế sóng bước bên nhau, cùng nhìn ánh hoàng hôn đang dần dần giao thoa vào khoảng trời xanh biếc.

……………

Tử Yên dịu giọng khuyên giải:

 – Huynh bình tĩnh nào! Nếu muốn tóm được Đinh Lý và động bọn của hắn, chúng ta tất phải có “mồi nhử”. Tôi thì chúng đều biết mặt cả rồi. Chỉ còn mỗi huynh thôi. Nghĩ thử xem, huynh cứ giữ nguyên hình dáng này đi lừa Đinh Lý, hắn sẽ sập bẫy sao? Huynh chịu khó một chút. Chỉ một lúc thôi! Sẽ chẳng ai nhận ra huynh đâu.

Viễn Kỳ thoáng nhíu mày nghĩ ngợi, đôi môi bất chợt trễ xuống thành nụ cười đắc ý.

– Được, nếu cô tìm ra bộ nữ phục vừa vặn với ta, nhất định ta sẽ đồng ý.

Viễn Kỳ những tưởng, muốn tìm được bộ y phục nữ nhi vừa vặn với vóc dáng cao lớn của chàng lúc này là một việc không thể. Nào ngờ Tử Yên lại lôi chàng đến nhà Nương đại thẩm cách đó không xa, người hôm nàng gặp nạn đã tiện đường cùng nàng trở về phố Hoàn Chinh. Nương đại thẩm có cô con gái sở hữu chiều cao thuộc vào hàng “quá khổ”, vừa về nhà chồng cách đây ít hôm. Nghe qua sự tình, bà tỏ ra hết sức bất bình, lập tức đồng ý cho Tử Yên mượn tạm bộ quần áo của tiểu nữ nhà mình để thực thi kế hoạch.

Tử Yên cầm bộ thanh y trong tay, ướm thử vào người Viễn Kỳ. Tuy không chắc sẽ vừa khít với thân hình rắn rỏi của chàng, nhưng ít ra cũng có thể mặc được vào người. Viễn Kỳ lúc này bị đặt vào tình huống dở cười dở mếu, chẳng cách nào khác đành miễn cưỡng chấp nhận.

Ôi! Cuộc đời oanh liệt của một Đạo Hoa Vương, cũng có lúc “thê thảm” thế này.

………….

Tử Yên ngần ngại ngó sang Viễn Kỳ. Chàng lúc này đã trở về hình hài cũ. Nhìn dung mạo anh tuấn hơn người, phong thái bộc trực nét hào hoa, đạo mạo, Tử Yên bối rối mở lời:

– Viễn Kỳ…

Viễn Kỳ khẽ chau mày, chờ Tử Yên nói hết.

– Hôm nay…

…đa tạ huynh.

Tựa những làn gió thu thoáng xao động, bước chân Tử Yên bất chợt nhanh hơn. Để lại một người vẫn ngẩn ngơ đứng đấy, chợt cảm thấy bao bực dọc như đã được rửa trôi.

End Chap 17

Chương 18: Trăn Trở ( Phần 1)

Bóng tối đặc quyện len lỏi khắp gian phòng, giăng mắc một lớp bụi mờ màu bạc sẫm, khiến không gian chung quanh như lan rộng hơn, vươn cao hơn, và âm u lạ lẫm. Gió lùa vào song cửa, rít lên từng hồi, mang theo cái lạnh phơn phớt của mùa thu đến lay động đêm khuya.

Tử Yên với tay khép hờ cửa sổ, rồi bước đến chiếc tủ gỗ, tiện thể xếp lại vài bộ quần áo đang nằm ngổn ngang.

Bốn bề tĩnh lặng đến mức có thể nghe rõ mồn một tiếng côn trùng kêu ran ngoài vườn.

– Này!

Viễn Kỳ đột ngột lên tiếng, xé tan bức màn yên ắng:

-Hôm nay cô có bị mắng không?

Đúng là từ khi về làm dâu Dương gia, số lần bị mắng của Tử Yên có thể nói nhiều như cơm bữa. Nhưng trước giờ Viễn Kỳ nào có quan tâm tới. Hôm nay chàng bỗng dưng hỏi đến, rốt cuộc có ý gì. Nàng ngẩn ra một lúc, đoạn thật thà đáp:

-Không.

Viễn Kỳ tiếp lời:

-Có ai chọc giận cô không?

-Không.

-Thế có bực bội gì trong người không?

Có phải Viễn Kỳ nhàn rỗi quá rồi không, hay thấy mấy hôm nay cả hai không cãi nhau, trong người đã bắt đầu ngứa ngáy. Rõ ràng muốn kiếm chuyện với nàng mà. Tử Yên vứt phịch bộ ngoại sam đang xếp dở vào tủ. Mày chau lại hết cỡ, nàng hùng hổ nói:

-Cả ngày hôm nay thì không, nhưng bây giờ thì có đấy, huynh hỏi gì mà lắm thế? Chuyện gì nói thẳng ra xem nào!

Viễn Kỳ nhìn Tử Yên, âm vực đều đều lan tỏa:

-Không bực bội, không tức giận, vậy hà cớ gì lại hành hạ chiếc áo của ta tơi tả đến mức này?

Tử Yên ngắm bộ bạch y bị rách một mảng lớn trong tay Viễn Kỳ:

-Huynh nghĩ do tôi xé?

Viễn Kỳ chau mày hoài nghi:

-Áo ta chỉ có mình cô được “đặc cách” động vào, không phải cô thì còn ai vào đây?

Lời Viễn Kỳ vô tình động vào vết thương lòng của Tử Yên. Gì mà “áo của ta chỉ có mình cô được “đặc cách động” vào.” Từ khi Tử Yên bước chân vào Dương phủ, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Người con gái đang tuổi xuân phơi phới như nàng, mà suốt ngày chỉ biết úp mặt vào thau chậu, làm bạn với quần áo chén bát. Nhắc tới Viễn Kỳ Tử Yên càng thấy ức. Chàng là tướng công, nhưng đôi khi nàng cứ nhầm tưởng chàng không khác gì thân phụ của mình. Từ miếng ăn, giấc ngủ Tử Yên đều phải tỉ mẩn lo toan. Sợ chàng ăn không ngon, sợ chàng ngủ không đủ giấc. À, không phải nàng sợ, mà là mẫu thân đại nhân của Viễn Kỳ rất sợ. Cứ cách vài ngày Tử Yên lại bị Thúy Đường quản giáo một trận đến dở sống dở chết, nào là, sao con không nấu chè cho tướng công, sao con không may thêm áo mới cho tướng công, sao con không pha trà cho tướng công, sao con không sắc thuốc cho tướng công tẩm bổ, vân vân và vân vân… Nàng thực sự không hiểu, Dương gia này rốt cuộc lấy vợ cho Viễn Kỳ, hay là muốn tuyển tì nữ chuyên dụng cho chàng đây. Nghĩ đến đấy, Tử Yên không khỏi cảm thán. Nàng bực dọc đáp:

-Sáng nay nó bị gió thổi, bay mắc trên cây, lúc lấy xuống tôi vô tình làm rách. Huynh không cần nhắc, tôi cũng đang định vá nó lại đây.  – Tử Yên uể oải giải thích.

Viễn Kỳ khoát tay, điềm nhiên bảo:

-Thôi khỏi cần, thế này thì vá làm gì nữa.

-Chẳng phải huynh bảo đây là cái áo huynh thích nhất còn gì. Việc vặt vãnh thôi mà. Cứ để tôi.

-Cái ta sợ là ngay cả việc vặt vãnh này, cô cũng làm không xong đấy chứ.

Ngày đầu tiên sau đêm động phòng, Tử Yên không cẩn thận bị đập đầu vào cửa. Kế đến không cẩn thận nên bị lạc ngoài phố. Thỉnh thoảng nấu ăn trong bếp không bỏng tay thì cũng bị bỏng chân. Phơi đồ không cẩn thận để rách cả áo chàng. Từ khi Viễn Kỳ gặp Tử Yên, số lần không cẩn thận của nàng chàng muốn đếm cũng chẳng xuể. Làm gì có nử tử nào vụng về đến thế. Tử Yên mà vá được áo cho mình, Viễn Kỳ ắt sẽ ngạc nhiên đến rụng cả răng. Điệu bộ mỉa mai của chàng khiến Tử Yên thấy hai tai nóng bừng. Nàng vội vàng đi lấy hộp kim chỉ, giành lấy chiếc áo từ tay Viễn Kỳ rồi ngồi bệt xuống giường, không quên trả đũa một câu đầy thách thức:

-Huynh hãy nhìn cho kĩ, tôi khá hơn huynh tưởng đấy.

Viễn Kỳ khẽ mỉm cười, giọng nói pha chút bông đùa:

-Thật sao? Thế thì xin phiền nhị thiếu phu nhân.

Nói thì nói vậy, chứ chạm tay vào mới biết chuyện may vá thật chẳng dễ dàng gì. Tử Yên cứ loay hoay mãi, chẳng biết làm thế nào để ghép hai mảng rách với nhau. Đến khi may được những mũi kim đầu tiên, nàng vui mừng ngước lên tìm ánh mắt Viễn Kỳ. Nhận ra chàng đang bâng quơ nhìn ra cửa sổ, không hề có ý chú mục tới mình, Tử Yên bỗng cảm thấy vô cùng tức tối.

Đây quả là một sự sỉ nhục.

Tử Yên cúi gằm mặt xuống, cố trút hết căm hờn lên chiếc áo đáng thương bằng những đường kim chằng chịt, dày đặc như xương cá.

Những mũi may cuối cùng đã hoàn tất, lần này khi Tử Yên ngước lên, bắt gặp Viễn Kỳ cứ gà gật như sắp ngất đến nơi.

“Đây còn lớn hơn cả sự sỉ nhục.” 

Tử Yên nghiến răng kèn kẹt.

–   A!

Nàng tung cước đạp thật mạnh vào chân khiến Viễn Kỳ bật tỉnh. Chàng giận dữ hỏi:

-Cô lại làm sao thế hả?

-May xong rồi. – Tử Yên ném phịch chiếc áo trắng xuống giường, rồi liền bỏ ra ngoài.

Thật là…!

Vốn dĩ chiếc áo còn có thể sửa được, nhưng bây giờ lại thành ra vô phương cứu chữa. Khả năng may vá của Tử Yên đúng là… “khá” hơn Viễn Kỳ nghĩ rất nhiều.

……………………

Sáng hôm sau.

Bầu trời trong vắt không một gợn mây, tựa mặt hồ tinh khôi, ánh quang phản chiếu nên những vệt nắng hồng, ôm trùm vạn vật. Khí tiết dịu nhẹ, thanh mát, thật khiến lòng người sảng khoái vô ngần.

Hiếm có khi nào Viễn Kỳ thấy lòng hưng phấn như sáng nay. Chàng dậy từ rất sớm, dạo vài vòng quanh nhà để tận hưởng khí trời, để hít căng buồng phổi hương vị tươi mới của buổi sớm mai hồng.

Đi tới trước thư phòng, Viễn Kỳ bỗng nhận thấy một dáng người quen thuộc đang đổ dài trên chiếc bàn đá, trông hết sức ảo não. Con người sầu đời vào buổi sáng đẹp trời này chẳng ai khác ngoài nương tử của chàng – Lâm Tử Yên.

Viễn Kỳ khẩn khoản tiến lại gần.

-Này! Có thể làm hỏng bức tranh đẹp tài tình như thế, Tử Yên, cô quả không tầm thường. – Chàng e hèm bắt chuyện.

Vẫn không hề ngẩng đầu lên, Tử Yên xua xua tay, chán chường nói:

-Tôi hiện giờ không có hứng gây gổ với huynh. Nếu thấy tôi làm huynh gai mắt, cảm phiền huynh hãy tìm chỗ khác, tiếp tục thưởng ngoạn.

Thấy Tử Yên không vui, Viễn Kỳ cũng chẳng còn nhã ý trêu đùa. Chàng nấn ná một hồi, rồi quầy quả bước đi. Vừa đi được vài bước, Viễn Kỳ đã nghe thấy giọng Tử Yên sang sảng:

– Viễn Kỳ! Viễn kỳ! Huynh mau tới đây đi! Tôi có chuyện muốn nói với huynh.

Thấy thái độ của Tử yên bỗng thay đổi đột ngột, vồn vã khác thường, Viễn Kỳ tự dưng cũng trở nên cảnh giác:

-Thế nào? Lại có việc muốn nhờ vả phải không?

-Làm sao huynh biết?

Viễn Kỳ phe phẩy quạt, mỉm cười đắc ý:

-Con người cô khi vui hay buồn đều lộ hết trên mặt, ta còn không nhìn ra sao?

-Đúng! Đúng! Dương nhị thiếu gia quả nhiên tài cao bắc đẩu, tinh anh thông tuệ. Tôi thật sự không phải là đối thủ của huynh.

Lời Tử Yên vừa thốt ra khiến nàng lẫn Viễn Kỳ đều sởn óc, gai tai. Nữ tử này tối qua còn hung hăng đạp vào chân chàng, còn hờn dỗi vì chàng không chịu chú ý xem nàng phô diễn “tài nghệ”, thế mà bây giờ miệng lưỡi cứ nhão ra như bột phải nước.

Viễn Kỳ nhếch môi cười, chấm dứt màn tâng bốc của Tử Yên bằng ngữ điệu bình thản:

-Sao? Chuyện gì?

-Chả là trời sắp sang đông, nên sáng nay mẹ bảo tôi bây giờ nên chuẩn bị may cho cả nhà mỗi người một chiếc áo ấm. – Tử Yên di tay trên bàn, mặt buồn rười rượi. Rồi bất thình ngước mặt lên, đau khổ nói. – Vậy vị chi là ba cái. Đến tận ba cái áo huynh có biết không!

– Chà! Mẹ ta đang muốn thử thách cô? – Viễn Kỳ xoa cằm đăm chiêu. – Lần này khổ cho cô rồi. Cố lên!

Trước kia Thúy Đường về làm dâu, cũng bị Phụng Loan – thân mẫu của Viên Trung làm khó đủ đường. Lâu lâu Phụng Loan lại bày tiệc để thử thách tài nấu nướng của Thúy Đường. Thỉnh thoảng lại bảo Thúy Đường may thêm áo ấm. Những chuyện này năm nào cũng có, độ khó mỗi lúc một tăng cao. Đến đời Tử Yên cũng không ngoại lệ. Mẹ chồng –nàng dâu, vòng xoay hiềm khích này đến khi nào mới có thể chấm dứt.

Tử Yên nhăn nhó nói:

-Nếu cố được, tôi đã không đau đầu thế này. Chẳng phải hôm qua huynh đã được tận mắt chứng kiến khả năng may vá của tôi rồi sao?

-Đúng, quả là “vượt trội” hơn người.

Nhận thấy vẻ giễu cợt trong giọng nói Viễn Kỳ, Tử Yên không ngần ngại lườm chàng một cái. Nhưng ngay lập tức nhớ ra mình đang là kẻ nhờ vả, nên liền xuống giọng van lơn:

-Viễn Kỳ! Huynh nhất định, nhất định phải giúp tôi nghĩ cách, nếu không lần này tôi khó lòng qua khỏi.

Một tháng trước khi xuất giá kì thực rất gấp rút. Chỉ học mỗi nấu nướng cũng đủ choáng hết thời gian của Tử Yên, nàng nào còn tâm trí để học thêm thêu thùa. Cửa ải nấu ăn nàng phải chật vật lắm mới có thể qua khỏi. Bây giờ đến may vá, mà một lúc còn may đến ba chiếc áo, Tử Yên làm cách nào xoay sở được. Nàng còn nhớ hồi học trung học có môn kĩ thuật dạy may vá. Nhưng oái ăm thay, toàn bộ những bài thực hành của Tử Yên đều do một tay mẹ nàng làm. Bây giờ thì tốt rồi. Ngay cả mũi thêu cơ bản nàng còn chẳng biết. Bảo nàng may áo, khác nào gián tiếp bức chết nàng. Tử Yên tự thấy dạo này mình vô cùng ngoan ngoãn. Vừa tự giác, lại chăm chỉ, rốt cuộc có chỗ nào khiến Thúy Đường không vừa mắt, sao cứ hết lần này đến lần khác bày trò thử thách nàng. Cái số con rệp của Tử Yên quả là thê lương. Nàng chỉ muốn làm một người con dâu hiền lành, an phận cũng chẳng được.

Không đợi Tử Yên nói thêm, Viễn Kỳ lập tức đồng ý.

-Được rồi, thế cô muốn ta làm gì?

Viễn Kỳ phất quạt phe phẫy:

-Giúp cô nói thật với mẹ ta?

-Dĩ nhiên là không. – Tử Yên nhanh nhảu đáp.

-Phụ cô may áo?

Nàng lại lắc đầu nguầy nguậy:

-Chắc chắn không thể.

– Kêu gia nhân trong nhà may hộ cô?

– Nếu để mẹ huynh biết được, liệu tôi chết có toàn thây không? – Tử Yên hỏi, chớp chớp cặp mắt ngây thơ.

Viễn Kỳ đập mạnh quạt vào tay, ra chiều tiếc nuối:

-Đấy, cô thấy chưa! Không phải ta không muốn giúp, mà là không thể giúp. Lần này, cô đành phải tự lực cánh sinh vậy.

Vừa dứt lời, Viễn Kỳ liền đứng dậy bỏ đi. Để lại Tử Yên chưng hửng ngồi đấy. Khi bóng chàng mất dạng, nàng mới giận dữ lên tiếng:

-Đúng là ngụy quân tử, huynh còn ở đấy giả nhân giả nghĩa. Đến ngay cả cách cũng chẳng buồn nghĩ, căn bản là huynh không hề muốn giúp. Được! Nếu lần này tôi chết, huynh cũng đừng hòng sống yên thân! Tôi sẽ trù ếm huynh suốt đời!

End chap 18

Bình luận về bài viết này